Máu đẻ của loài khỉ – thần dược phòng the hay thứ huyễn hoặc con người?

 

Nuốt xong hớp rượu huyết lình, tôi thấy dợn trong họng, bởi vị tanh nồng lờm lợm, rất kinh khiếp, chừng như muốn ói.

Đi rừng rú nhiều, nên tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với đồng bào. Đồng bào ăn và uống gì, cũng muốn nếm thử, trải nghiệm. Món thịt rắn nướng cháy lớp da, phần thịt còn sống cũng bình thường. Món thịt có dòi, món da trâu thối ở Sơn La cũng không có gì kinh dị lắm. Món cá sống nhảy đành đạch cho vào miệng nhai lại khá ngon…
Rượu ngâm đủ thứ thực, động vật đều đã nếm thử. Nhưng, thứ khiến tôi ấn tượng nhất, nhớ lâu nhất, là rượu huyết lình.
Chuyện cách nay đã 20 năm. Hồi đó, vào rừng nghiến Phong Quang – Hà Giang để đi tìm loài vượn đen – loài linh trưởng có tiếng hót cực hay, có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới. Giờ, thì chúng đã sạch bóng ở Phong Quang. Nghe đồn, ở Cao Bằng vẫn còn, nhưng lúc chúng ở bên này, lúc ở bên Trung Quốc.

Huyết lình khai thác được ở một hang đá tại huyện Mai Sơn, Sơn La

Chuyến lội rừng vào bản Mã Hoàng Phìn (Minh Tân, Vị Xuyên, Hà Giang) kéo dài 3 ngày đi bộ. Anh chàng người Mông dẫn đường cho tôi, chinh phục dãy Răng Cưa, nghe tiếng vượn hót.
Đá tai mèo rừng Phong Quang sắc nhọn, như lưỡi lam xé toạc dày. Cú trượt ngã toạc da ống chân tướp máu đau điếng. Đến ngày thứ 3, thì mệt nhoài, không nhấc nổi chân nữa thì đến lãnh địa của bầy khỉ, vượn. Những cái hang trong hốc đá dựng đứng trên dãy Răng Cưa là nơi ẩn náu của chúng.
Anh chàng người Mông tên Vàng Seo Nhà bấu vào đá trèo thoăn thoắt lên miệng hang, chả kém gì loài khỉ. Nhà mang xuống một cục đen đen to băng quả cam. Cậu ta nổi lửa, đốt củi thành than, rồi ném cái cục đen đen đó vào than hồng. Miếng đen đen đó sùi lên bởi lửa nóng, thì Nhà gạt ra. Nhà dùng hòn đá giã nhuyễn, pha vào chai rượu mang theo thành hỗn dịch đen sì.
Vàng Seo Nhà vã chút rượu ra tay, rồi xoa vào vết thương tứa máu ở ống chân tôi. Rồi bắt tôi làm một ngụm. Nuốt xong hớp rượu, thấy dợn trong họng, bởi vị tanh nồng lờm lợm, rất kinh khiếp, chừng như muốn ói.

Tác giả và cục huyết lình cực lớn

Xong xuôi, Nhà mới bảo rằng, đó là… kinh nguyệt của khỉ. Nó được gọi là huyết lình. Huyết là máu, lình là khỉ theo tiếng một số dân tộc. Giời ạ! Khỉ là loài linh trưởng, tổ tiên của loài người! Nghĩ mà dựng cả tóc gáy.
Nhưng lạ lùng thay, vết thương ngừng rỉ máu, không thấy đau đớn gì cả. Thứ rượu ấy ngấm vào người, khiến gân cốt giãn ra, cơ khớp không cứng queo rã rời nữa. Chẳng lẽ, kinh nguyệt khỉ lại là thần dược? Hay sợ hãi cái thứ lờm lợm trọng họng đó quá mà quên cả mệt nhọc?
Theo Vàng Seo Nhà, người Mông ở Mã Hoàng Phìn đều biết dùng huyết lình. Thanh niên Mông lên dãy Răng Cưa săn lùng huyết lình ráo riết. Theo Nhà, nó là thần dược cho phụ nữ sau khi sinh, và là thần dược cường dương cho đàn ông. Ở Mã Hoàng Phìn ai cũng dùng huyết lình, nên rất khỏe mạnh, đi rừng không biết mệt mỏi. Về sau, người Trung Quốc mua nhiều, giá đắt, nên người Mông khai thác bán, chứ không có để dùng nữa.
Sau này, đi rừng nhiều, tìm hiểu kỹ, thì mới biết rằng, thực ra, huyết lình không phải là kinh nguyệt của loài khỉ, vượn, mà nó là máu đẻ của loài linh trưởng này.
Lương y Hoàng Tuyết Minh (Mai Sơn, Sơn La) bảo rằng, huyết lình là máu đẻ lẫn với nhau thai của loài khỉ, vượn.
Hiện nay, nhiều vùng ở Mai Sơn, người Thái vẫn khai thác huyết lình để dùng. Vùng nào có khỉ sinh sống, có hang khỉ ở, thì người Thái giữ gìn, bảo vệ rất nghiêm ngặt và coi đó là tài sản chung. Ở xã Nà Ớt cũng có hang khỉ ở. Theo quy định của dân bản nơi đây, thì 20 năm dân bản mới được khai thác một lần.

Phải zoom hết ống kính, rồi phóng ảnh hết cỡ, mới nhìn thấy những chiếc thang tre nhỏ xíu trên vách núi, do những người lấy huyết lình tạo ra, tại xã Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang.

 

Khi khai thác huyết lình, thì trưởng bản phải chủ trì vấn đề tâm linh. Dân bản góp tiền giết lợn, gà để cúng. Khỉ ở trong hang đá rất cao, thường là vách đá dựng đứng, nên không phải ai cũng trèo lên được. Người ta phải thuê những thợ lấy huyết lình chuyên nghiệp để khai thác.
Những chiếc thang tre được cột vào nhau, nối từ chân vách đá dựng đứng lên đến miệng hang, có khi cao đến 200m. Chỉ rất ít người có đủ dũng khí trèo lên chiếc thang tre đó.
Tôi đã được tận mắt những chiếc thang tre khai thác huyết lình trên vách đá ở các dãy núi thuộc xã Thượng Lâm (Lâm Bình, Tuyên Quang) và quả thực không thể tin nổi. 
Đứng dưới chân núi, căng mắt nhìn cũng không rõ hình những chiếc than tre. Tôi phải dùng máy ảnh, zoom hết cỡ, chụp vách đá có những cái hang, rồi phóng to tấm ảnh trên máy tính, mới nhìn thấy hệ thống thang tre loằng ngoằng trên vách đá, nhỏ như cây tăm. Tôi trộm nghĩ, các nhà leo núi chuyên nghiệp nhìn những vách đá này cũng phải ớn lạnh.
Ấy vậy mà, thợ săn huyết lình bám vào thang tre, vách núi, leo trèo thoăn thoắt. Đứng dưới chân núi, nhìn lên, người ngợm nhỏ như con chim sẻ. 
Lấy được huyết lình, thì thợ săn buộc vào túi, rồi ròng dây thả xuống. Người ở phía dưới đỡ lấy huyết lình.

 

 

Đồng bào Tày ở Lâm Bình, Tuyên Quang, dùng cả huyết của voọc đen

 

Theo lương y Hoàng Tuyết Minh, ở Nà Ớt, cũng như những vùng khác, khi lấy được huyết lình, thì họp bản chia nhau rất tỉ mỉ. Số lượng huyết lình khai thác được chia làm 3 phần. Một phần chia cho nhóm thợ khai thác, một phần chia cho các bô lão, trưởng bản, thầy mo, thầy cúng. Phần còn lại mới chia cho nhân dân. Vì thế, mỗi gia đình có khi chỉ được mẩu nhỏ bằng vài hạt ngô. Đồng bào cho vào lọ Benicillin cất giữ như bảo bối. 
Theo chị Minh, người Thái thường cho phụ nữ sau sinh dùng huyết lình, hoặc trẻ con biếng ăn nghiền ra cho uống. Người già, ốm yếu, mắc bệnh hen suyễn, viêm phổi dùng rất tốt. Phụ nữ máu xấu, đau bụng kinh dùng vài lần là khỏi. Những người bị rối loạn tiền đình, đau nửa đầu, đau dạ dày… uống huyết lình 1 tuần là khỏi. Người Thái ngâm huyết lình với rượu bôi vào vết thương hở để chống nhiễm trùng, xoa bóp vết thương bầm tím.
Trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố GS. Đỗ Tất Lợi, thì huyết lình còn gọi là lục linh. Lình là tên tiếng Thổ của con khỉ, lục là nhau thai. Vì thế huyết lình chính là máu chảy ra của con khỉ sau khi đẻ, phơi khô. 
Sách này cũng mô tả: Vào tháng 5 – 6 âm lịch là mùa khỉ đẻ, người ta đến những nơi núi đá, tìm những mỏm núi nơi khỉ hay ngồi sau khi đẻ để cạo lấy huyết đã khô đen. Có những mảng huyết đọng dày tới 1cm hay hơn. Khi mới cạo về đem phơi nắng hay sấy cho khô, cất vào lọ hay gói kín để chỗ khô ráo. Khi dùng thì sấy khô tán nhỏ. Tại những chợ vùng cao nước ta vào các tháng 8 – 9 dương lịch, người ta thường đem bán huyết lình dưới dạng cục nhỏ bằng ngón tay màu đen nâu như màu bã cà phê, mùi tanh, khi dùng cần tán nhỏ để ngâm rượu hay cho vào cháo mà ăn.
Mặc dù huyết lình được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng miền núi, nhưng, trong tất cả các lần phát biểu với báo giới, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đều bác bỏ công dụng của thứ gọi là huyết lình. Bác sĩ Hướng cho biết, tất cả các sách viết về bài thuốc bào chế từ “huyết lình” hoặc “lục linh” đều chép từ một cuốn sách huyễn tưởng thời xưa của Trung Quốc. Con người luôn khát vọng trường sinh bất tử nên tự nghĩ ra một thần dược nào đó giống như luyện linh đan.
Cũng theo ông, ở Trung Quốc cũng không có phương thuốc nào mang tên “huyết lình” hay bất cứ một bài thuốc nào bào chế từ huyết lình khô. Bác sĩ Hướng khẳng định, đây là sản phẩm của trí tưởng tượng và sự khao khát trường sinh của con người mà thôi.
Huyết lình là thần dược với sức khỏe con người, hay sản phẩm của tưởng tượng, vẫn còn là vấn đề tranh cãi.