Bệnh Viêm Đại Tràng
Viêm đại tràng là tình trạng đại tràng bị viêm nhiễm. Viêm đại tràng là một chứng bệnh tiêu hóa phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh khá cao (khoảng 25%), đặc biệt là ở các nước đang và kém phát triển do mức sống còn thấp nên điều kiện vệ sinh ăn uống không được chú trọng. Ở Việt Nam cứ 3 người thì có một người gặp vấn đề về đại tràng. Bệnh chủ yếu do ăn uống mà ra, nếu không điều trị triệt để sau nhiều lần tái phát, bệnh sẽ chuyển sang viêm đại tràng mạn tính thậm chí là ung thư đại tràng.
CÁC DẠNG THƯỜNG GẶP CỦA BỆNH VIÊM ĐẠI TRÀNG
Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng là một bệnh viêm loét mãn tính ở đại tràng, xuất hiện tình trạng viêm và loét ở lớp niêm mạc của đại tràng hoặc trực tràng mà không xuất hiện ở các vùng khác của ống tiêu hóa.
Viêm loét đại tràng là bệnh thường gặp ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng thời gian gần đây đang có xu hướng tăng ở châu Á. Căn nguyên của bệnh chưa rõ ràng, thường xảy ra ở người trẻ, với biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy phân máu, kèm theo sốt và sút cân, bệnh mãn tính tiến triển từng đợt, để lại nhiều biến chứng như giả polyp, hẹp đại tràng, chảy máu trầm trọng, phình đại tràng nhiễm độc, ung thư hóa… Nội soi đại tràng là biện pháp hữu hiệu để phát hiện bệnh viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn ít chất xơ trước đó vài ngày và dùng thuốc nhuận tràng hoặc thụt ngay trước thực hiện nội soi. Việc điều trị cho đến nay gặp rất nhiều khó khăn.
Viêm đại tràng màng giả
Viêm đại tràng màng giả hay viêm ruột màng giả, viêm ruột giả mạc, là bệnh nhiễm khuẩn ở ruột già do vi khuẩn Clostridium difficile gây ra. Bệnh nhân có triệu chứng đau quặn bụng, sốt, tiêu chảy rất nhiều lần… có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân chủ yếu là loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh, hoặc bị suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là ở người già.
Vi khuẩn C. difficile là loại vi khuẩn kỵ khí, có nha bào, vì vậy sức đề kháng rất tốt khi ra bên ngoài cũng như trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn C. difficile sẽ sản sinh ra độc tố ruột và độc tố gây độc tế bào. Độc tố tác động vào niêm mạc đại tràng gây viêm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng. Giả mạc này mềm, dễ bong và khi bong ra sẽ để lại viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc. Vì vậy, một số trường hợp sau khi dùng kháng sinh một thời gian hoặc đã ngưng dùng thuốc mà thấy đi ngoài ra máu thường nghĩ rằng do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột được mô tả lần đầu tiên năm 1932 bởi Crohn, Zinsburrg, và Oppenhemer. Bệnh gây ra viêm màng của ống tiêu hóa, có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và ngay cả suy dinh dưỡng trầm trọng.
Bệnh Crohn có đặc tính là viêm mạn lan rộng, có thể gặp tổn thương ở bất cứ nơi nào của ống tiêu hóa: từ khoang miệng đến trực tràng và hậu môn. Tổn thương viêm có thể gặp ở tất cả các lớp của thành ruột và làm tổn thương mạc treo ruột cũng như các hạch bạch huyết trong vùng. Quá trình bệnh lý cơ bản là giống nhau dù là ở ruột non hay ở đại tràng. Bệnh Crohn có đặc điểm là “từng đoạn” do tính khu trú của tổn thương trên từng đoạn, từng vùng của ruột.
Bệnh khá phổ biến ở các nước Châu Âu, Châu Mỹ (2/100.000 dân). Ở Việt Nam chỉ có một vài trường hợp được phát hiện và điều trị ở một số bệnh viện trung ương.
Viêm đại tràng co thắt
Viêm đại tràng co thắt hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích, rối loạn chức năng đại tràng, bệnh đại tràng chức năng… Các rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các tổn thương về giải phẩu, sinh hóa ở ruột gọi là hội chứng ruột kích thích (Thomson W.D.).
Có khoảng 20% dân số thế giới bị viêm đại tràng co thắt. Viêm đại tràng co thắt thường gặp ở nữ giới (cứ 4 nữ thì tương ứng có 1 nam mắc bệnh này). Các nước Âu Mỹ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn Châu Á và Trung Đông.
Viêm đại tràng co thắt được phân thành 3 loại cơ bản:
– Loại 1: có hiện tượng đau bụng và tiêu chảy.
– Loại 2: có hiện tượng đau bụng và táo bón.
– Loại 3: có hiện tượng đau bụng, vừa tiêu chảy vừa táo bón.
Để điều trị bệnh viêm đại tràng co thắt hiện nay sử dụng các thuốc thuộc nhóm chống co thắt, chống táo bón hoặc tiêu chảy kết hợp với thuốc an thần kinh.
Ngoài ra, còn có một số dạng đặc biệt của viêm đại tràng như:
– Viêm đại tràng do lao: thông thường là tình trạng thứ phát của lao phổi. Một số ít là lao ruột nguyên phát do nhiễm vi khuẩn lao từ ăn uống.
– Viêm đại tràng do lỵ: nguyên nhân do Entamoeba histolytica (lỵ amip) hay Shigella (lỵ trực trùng) tồn tại trong thức ăn kém vệ sinh sẽ gây ra viêm đại tràng cấp tính, nếu không chữa trị triệt để sẽ chuyển thành mạn tính. Đặc trưng là hội chứng lỵ: đau quặn bụng, mót rặn, tiêu phân nhầy lẫn máu.
– Viêm đại tràng trên bệnh nhân AIDS: nguyên nhân do siêu vi Cytomegalovirus, bệnh gây ra những thương tổn gồm nhiều ổ loét nhỏ ở đại tràng, nhất là đại tràng phải.
– Viêm đại tràng do Chlamydia, Gonorrhoeae (lậu): bệnh thường xảy ra ở người đống tính luyến ái nam, gây những thương tổn phù nề, sưng đỏ, loét hoặc nổi mụn rộp ở vùng hậu môn trực tràng.
– Viêm đại tràng sau xạ trị vùng bụng và chậu: thường gặp trên bệnh nhân ung thư cổ tử cung được xạ trị, tổn thương viêm đỏ phù nề, loét tương tự như viêm loét đại tràng.
Bệnh viêm đại tràng rất đa dạng các hình thể như trên, do đó vai trò của người thầy thuốc phải xác định đúng dạng bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.
Xem thêm các bệnh lý về viêm đại tràng và cách điều trị có hiệu quả tốt nhất:
– Những lý do khiến bệnh viêm đại tràng chữa mãi không khỏi
– Chế độ ăn uống của người bị bệnh đại tràng
– Dấu hiệu “Ung thư đại tràng”