Bệnh gout có liên quan tới yếu tố di truyền


Share

Trước đây, bệnh gout được xem là “bệnh nhà giàu” vì liên quan đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân quan trọng khởi phát bệnh.

Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại buổi hội thảo khoa học “Bệnh gout ở Việt Nam, hiện trạng, phương tiện cần triển khai thực hiện để hiểu rõ hơn và điều trị bệnh gout tốt hơn”.

GS. Thomas Bardin, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh gout Pháp – Việt chia sẻ, bệnh gout là bệnh do axit uric dư thừa dẫn đến hình thành của các tinh thể ở khớp. Các tinh thể này kích hoạt cơn đau dữ dội, cấp tính và cuối cùng phá hủy các khớp. Bệnh gout liên quan nhiều đến yếu tố dinh dưỡng. Qua nhiều năm nghiên cứu ở Việt Nam, GS Thomas cho rằng, một trong những tình trạng thường gặp ở bệnh nhân gout ở Việt Nam là ăn rất nhiều thịt, cá và uống rất nhiều bia.

Ngoài ra, gout còn liên quan đến yếu tố gen di truyền. Nguyên nhân có thể là do cha mẹ truyền sang con hoặc liên quan tới rối loạn chuyển hóa các chất như đường, mỡ; cholesterol tăng, triglycerid tăng… Tại Viện Gout Việt Nam ghi nhận 100 bệnh nhân mắc bệnh gout có liên quan đến yếu tố di truyền. Trong đó có 2 chị em ruột cùng nhập viện với những biến chứng rất nặng. Theo GS Thomas, hiện nay, các nhà khoa học đang đi sâu tìm hiểu xem di truyền ở gen nào để tác động, điều chỉnh nhằm hạn chế căn bệnh này. “Đây là một trong những chìa khóa quan trọng mở ra hướng điều trị mới cho bệnh gout” – GS Thomas khẳng định.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh gout là bệnh mạn tính nhưng thường được xem là bệnh cấp tính, điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng viêm vốn gây hại cho dạ dày, thận và tim. Nhiều bệnh nhân điều trị bằng dẫn xuất của cortisol có tác dụng giảm viêm, nhưng không hạ axit uric và là nguồn gốc của các biến chứng đáng nghi ngờ (béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, loãng xương…). Ở Việt Nam, bệnh nhân gout đôi khi sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, bệnh gout trở nên nghiêm trọng khi xao lãng trong điều trị và có thể dẫn đến tử vong sớm. Bệnh gout kết hợp với cao huyết áp có thể dẫn đến tiểu đường, bệnh tim và suy thận, một phần là do các tinh thể lắng đọng trong thận.

GS Thomas nhấn mạnh: “Bệnh gout là bệnh mạn tính và điều trị lâu dài. Nếu bệnh nhân không được điều trị chống lại việc gia tăng lắng đọng, nghĩa là không điều trị axit uric dư thừa, thì các lắng đọng sẽ ngày càng nặng hơn và hậu quả về mặt lâm sàng càng nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân có thể xuất hiện các biến chứng dẫn đến tàn phế, phá hủy khớp, hình thành các cục tophi xâm lấn vào các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là ở dưới da và thận. Các tinh thể lắng đọng ngày càng nhiều là do xao lãng trong điều trị hạ acid uric, và do đó làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống cũng như khả năng làm việc của bệnh nhân”.

Liên quan đến những nghiên cứu về bệnh gout, nhiều thỏa thuận đã được ký kết vào ngày 20.6 vừa qua gồm: Thỏa thuận giữa Trung tâm Nghiên cứu bệnh gout Pháp – Việt và Trường Đại học Paris 7; giữa Trung tâm Nghiên cứu bệnh gout Pháp – Việt và Trường Đại học Y Dược TPHCM; giữa Phòng khám đa khoa Viện Gout và Bệnh viện Quân y 175 – Bộ Quốc Phòng.

Theo: Laodong.com