Biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi thận
Sỏi thận là căn bệnh hiện khá phổ biến ở Việt Nam, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó người trưởng thành chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Sỏi thận nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ gây rất nhiều hậu quả khá nặng nề cho cơ thể.Vậy bệnh sỏi thận có triệu chứng gì? Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi thận là gì? Cùng Sỏi Mật Trái Sung tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây.
Bệnh sỏi thận có triệu chứng gì?
Sỏi thận có thể diễn ra một cách âm thầm và chỉ thể hiện khi đã có sỏi trong thận. Khi có tác động mạnh (đi xe vào đường mấp mô, gồ ghề, nhiều ổ gà,…) hay hoạt động mạnh (chạy, nhảy, mang vác nặng, cử động mạnh,…) hoặc do thay đổi tư thế sẽ xuất hiện cơn đau ở vùng thắt lưng, có thể đi kèm rối loạn tiểu, khó chịu, trướng hơi, đầy bụng, buồn nôn và nôn.
Đau bụng thường đau dữ dội (gọi là cơn đau quặn thận), đau vùng thắt lưng nhất là phía thận có sỏi, nếu sỏi thận hai bên thì đau toàn bộ vùng thắt lưng, đau xuyên cả ra hông, lưng. Tuy vậy, có trường hợp do sỏi nằm ở vị trí bể thận, sỏi to cho nên chỉ đau âm ỉ.
Một số trường hợp đau thắt lưng từng cơn. Đầu tiên đau ở hai hố thắt lưng, rồi lan ra bụng, xuống bụng dưới và xuống đùi.
Bên cạnh triệu chứng đau, tiểu ra máu có thể gặp trong sỏi thận. Đái máu chính là biến chứng thường gặp của sỏi thận do di chuyển, cọ sát của sỏi. Đái máu có thể làm nước tiểu có màu đỏ (chảy máu nhiều) mắt thường nhìn thấy được (chảy máu đại thể), trường hợp rỉ máu phải xét nghiệm nước tiểu mới thấy được (chảy máu vi thể).
Khi sỏi xuống đến phần dưới của đường tiểu (niệu quản, bàng quang) người bệnh hay buồn đi tiểu và triệu chứng thường gặp là đau thắt lưng, đái buốt, đái dắt, đái són. Nếu có kèm theo nhiễm khuẩn đường tiết niệu (thận, niệu quản hoặc bàng quang) sẽ xuất hiện đái đục (nước tiểu có mủ) và có thể đái ra sỏi.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi thận
Sỏi thận là hiện tượng các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Những viên sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu ra ngoài, còn những viên sỏi lớn sẽ tích tụ lại trong thận. Ngày theo ngày, những viên sỏi càng lớn hơn và gây tắc nghẽn đường tiết niệu, làm cho chức năng thận suy giảm, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm thì dễ gây ra suy thận. Những biến chứng sỏi thận thường là: viêm, nhiễm trùng đường tiểu, tắc đường tiểu, suy thận cấp, suy thận mãn tính và vỡ thận.
Nhiễm trùng
Hòn sỏi nằm lâu ngày trong hệ niệu là nơi vi trùng tụ tập và phát triển, do đó, sẽ gây nhiễm trùng. Ở các trường hợp nhiễm trùng nhẹ, các triệu chứng có thể là tiểu gắt, đau lưng, thử nước tiểu thấy có bạch cầu một hoặc hai. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị tiểu ra mủ, sốt cao. Nếu phối hợp với bế tắc đường tiểu thì có thể gây ra thận ứ mủ hoặc thận hoá mủ.
Nếu bệnh nhân bị sỏi thận không được phát hiện sớm, để đến giai đoạn bị nhiễm trùng thì việc điều trị bệnh sỏi thận sẽ gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ thường chỉ dám đặt một ống vào thận để dẫn lưu mủ ra ngoài, rồi chờ cho tình trạng nhiễm trùng giảm đi, bệnh nhân khá hơn mới dám điều trị triệt để.
Tắc đường tiểu
Những hòn sỏi hình thành trong lòng đường tiểu như: đài thận, bồn thận, bọng đái đều có khả năng rơi vào niệu quản hoặc niệu đạo và gây bế tắc. Khi đó, hệ niệu đạo sẽ phản ứng co bóp mạnh để cố gắng tống hòn sỏi ra khỏi chỗ tắc nghẽn. Điều đó sẽ dẫn đến các cơn đau tại thận như đau vùng sườn bụng, giữa xương sườn và hông, đau ở hông, cảm giác đau lan tỏa tới tận háng, có thể đau âm ỉ hoặc đau quặn. Ngoài ra, còn gây ra hiện tượng thận ứ nước hoặc niệu quản ứ nước. Nếu hòn sỏi được lấy ra kịp thời, hiện tượng này có thể mất đi. Còn không, sau một thời gian ứ nước kéo dài, đôi khi thận không còn khả năng hồi phục nữa nên sau đó, dù đã khỏi bệnh rồi mà khi siêu âm, thận vẫn còn ứ nước độ một hoặc độ hai. Cuối cùng là hiện tượng bí tiểu.
Suy thận cấp và mãn tính
Suy thận là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng tới nhiều chức năng của cơ thể, gây tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh. Sỏi thận rất dễ tái phát (10 – 50%).
Nếu hai quả thận đều bị bế tắc cùng một lúc, bệnh nhân rất dễ rơi vào tình trạng không có một giọt nước tiểu nào cả, nếu kéo dài trong vài ngày có thể dẫn đến tử vong. Quá trình nhiễm trùng, ứ nước lâu ngày có thể hủy hoại dần dần chủ mô thận.
Vắng khoảng 50% số đơn vị thận, người ta vẫn có thể sống một cách bình thường nhưng nếu vắng đến 75%, tình trạng suy thận sẽ xuất hiện. Lúc đó, người bệnh sẽ phải cần đến các biện pháp tốn kém để duy trì sinh mạng như chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
Hiện nay, ghép thận thì nước ta chưa có điều kiện để phát triển nhân rộng, còn thận nhân tạo thì chỉ có một vài trung tâm có, chi phí chạy thận rất đắt đỏ với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Vỡ thận
Vỡ thận xảy ra khi thận bị ứ nước to, vách thận mỏng. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hiếm gặp. Lời khuyên tốt nhất dành cho bệnh nhân bị sỏi thận vẫn là việc thăm khám, phát hiện sớm bệnh để điều trị.
Để tránh bị biến chứng suy thận thì việc điều trị sớm, nhanh chóng, dứt điểm và đặc biệt phục hồi chức năng thận là rất quan trọng. Khi điều trị cũng cần lưu ý đến việc phòng tránh tái phát sỏi thận vì mỗi lần tái phát là nguy cơ suy thận lại tăng lên.
Xem thêm: Thuốc chữa bệnh sỏi thận