Bệnh gout và những mối nguy hiểm không phải ai cũng biết


Share

Hàm lượng acid uric tăng trong máu do rối loạn chuyển hóa đạm là nguyên nhân dẫn đến bệnh gout.

Bệnh gout để lại hậu quả vô cùng to lớn và nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng, tinh thần và đời sống của người bệnh.

Đây là một dạng bệnh thấp khớp khiến người bệnh đau,khó chịu do ứ đọng những tinh thể uric acid ở các khớp. Sự ứ đọng này dẫn tới viêm khớp với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau và cứng khớp.

Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, phụ nữ giai đoạn mãn kinh, đặc biệt là ở những người thừa cân béo phì, thường xuyên sử dụng bia, rượu, ăn chế độ nhiều đạm.

Nếu không điều trị hoặc để tái phát nhiều lần sẽ phá hủy khớp dẫn đến tàn phế, khi đó cần phải phẫu thuật tái tạo lại khớp. Ngoài ra, bệnh nhân gout bị sỏi thận do chính tinh thể urat lắng đọng gây tắc nghẽn đường tiết niệu, suy thận và nhiễm trùng đường tiết niệu…

Một số biến chứng của bệnh gout

Biến chứng hạt tophi

Ảnh hưởng đến thẩm mỹ, giảm tự tin giao tiếp xã hội, giảm chức nặng vận động khớp. Làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng suy giảm miễn dịch.

Biến chứng thận

Viêm thận kẽ, viêm đài bể thận, nhiễm trùng hệ tiết niệu do ứ nước ứ mủ do sỏi urat có trong thận.

Ngoài ra, khi điều trị bệnh cũng có thể xảy ra các biến chứng như: Biến chứng do dùng chống viêm, giảm đau, viêm loét dạ dày tá tràng, ruột non…

Các biến chứng do dùng colchicin

Tiêu chảy cấp, đặc biệt khi dùng quá liều. Các biến chứng do bị dị ứng thuốc (như allopurinol, kháng sinh…). Ngoài ra, bệnh nhân bị gout thường có cơ địa dễ bị dị ứng.

Người bị bệnh gout cần có chế độ ăn kiêng hợp lý nếu không muốn bệnh tăng nặng. Trong khẩu phần ăn thường ngày nên hạn chế các loại hải sản, thịt đỏ như thịt trâu, bò, dê, heo rừng…, trứng gia cầm đặc biệt là trứng gà, vịt, cút lộn.

Giảm các thực phẩm giàu chất béo no như mỡ, da động vật, thức ăn chiên, quay, thực phẩm chế biến với các chất béo no như mì tôm, các loại thức ăn nhanh.

Người bị bệnh gout nên và không nên ăn gì?

Các thực phẩm giàu chất xơ nói chung như dưa leo, củ sắn, cà chua… giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm chậm quá trình thoái hoá, sản sinh năng lượng và giảm sự hình thành acid uric.

Người bị bệnh gout tuyệt đối không sử dụng rượu bia. Không được dùng đồ uống có ga, nước ngọt như  nước cam, chanh, nước trái cây giàu vitamin C vì làm tăng nguy cơ kết tinh urate ở ống thận, tăng nguy cơ sỏi thận. Đặc biệt là nên uống nhiều nước, ít nhất là 2lít/ngày.

Lưu ý, bên cạnh chế độ ăn hợp lý người bị bệnh gout nên thường xuyên luyện tập thể dục để không mắc các bệnh như béo phì thừa cân.

Theo Thanh Hường (Tổng hợp)