Chế độ vận động cho người mắc bệnh tim mạch
Nhiều người nghĩ rằng, mắc các bệnh về tim mạch nên ít vận động, đặc biệt là các hoạt động thể thao để tránh ảnh hưởng xấu đến tim. Quan điểm này là một sai lầm và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe bệnh nhân cũng như hiệu quả điều trị bệnh tim mạch. Vậy, những người bị bệnh tim mạch nên vận động thế nào cho hợp lý để kiểm soát các yếu tố nguy cơ và hỗ trợ điều trị bệnh?
Người mắc bệnh tim mạch có nên vận động không?
Mục Lục
Theo một nghiên cứu mới đây, Việt Nam nằm trong top những người lười vận động nhất trên thế giới. Căn bệnh lười vận động gây ra rất nhiều hệ lụy xấu đến sức khỏe của mỗi người, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, đột quỵ, các bệnh về tim mạch và rất nhiều các bệnh khác.
Với những người có bệnh về tim mạch, rất nhiều người lo ngại vận động sẽ làm tim phải làm việc nhiều hơn, làm tình trạng bệnh xấu đi nên thường hạn chế vận động. Nhưng thực tế, nếu có chế độ vận động hợp lý, vận động sẽ giúp củng cố trái tim, hạ huyết áp, duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm căng thẳng, giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn.
Chế độ vận động hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch
Khi bạn có vấn đề về tim mạch thì tập thể dục là một phần quan trọng trong kiểm soát tình trạng của bạn.
Những câu hỏi cần trao đổi với bác sĩ trước khi tiến hành chế độ vận động
Hoạt động nào là an toàn? Hãy hỏi bác sĩ về những hoạt động nên thử và những hoạt động nên tránh. Bác sĩ sẽ cho bạn biết hoạt động nào là an toàn và bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn mình nghĩ.
Nên tập thể dục mỗi ngày như thế nào và có thể tập bao nhiêu lần mỗi tuần: Việc này được quyết định bởi tình trạng sức khỏe cũng như thuốc điều trị bệnh tim mạch mà người bệnh đang dùng.
Các dấu hiệu cảnh báo nên theo dõi? Trong quá trình vận động, có dấu hiệu nào cần phải chú ý không?
Các hoạt động phù hợp với những người điều trị bệnh tim mạch
Người mắc bệnh tim mạch có nhiều sự lựa chọn trong các hoạt động thể chất hơn họ tưởng. Một số hoạt động mà bệnh nhân mắc bệnh tim nên thử:
Tập yoga
Tập yoga cho thấy lợi ích về lưu thông mạch máu, giảm căng thẳng và hỗ trợ phục hồi cho tất cả các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, đối với những người huyết áp cao, cần phải lưu ý và điều chỉnh một số động tác cho phù hợp
Đi bộ
Đi bộ nhanh có tác dụng tăng cường cơ tim và giảm lượng cholesterol trong máu, đem lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch
Aerobic
Tập aerobic hàng ngày với thời lượng hợp lý rất có lợi cho cơ thể, cải thiện tình trạng tim mạch và giảm huyết áp cao.
Đạp xe
Đạp xe giúp cho tim và phổi hoạt động mà không gây tổn thương đến các khớp như mắt cá chân, đầu gối, lưng,… và đặc biệt thích hợp với những bệnh nhân tim mạch bị thừa cân.
Những chú ý khi vận động cho người mắc bệnh tim mạch
- Không tập khi ngoài trời quá nóng, lạnh hoặc ẩm: Thời tiết ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tim mạch. Độ ẩm cao có thể khiến bạn mệt nhanh hơn, nhiệt độ khắc nghiệt sẽ khiến người bệnh tức ngực, khó thở. Thay vì các hoạt động ngoài trời trong thời tiết này, hay thay bằng các bài tập nhẹ trong nhà hay đi bộ trong trung tâm mua sắm có lẽ là lời gợi ý tốt hơn.
- Không tắm bằng nước cực nóng, cực lạnh hay xông hơi sau khi vận động bởi nhiệt độ khắc nghiệt là trái tim làm việc vất vả hơn.
- Không tập thể dục ở vùng đồi núi : Tập thể dục ở đồi núi dốc quá sức đối với những bệnh nhân tim mạch. Ở trên cao, không khí loãng cũng khiến người bệnh cảm thấy khó thở và không dễ chịu.
- Tăng tốc từ từ : Bắt đầu bằng những bài tập vừa sức và tăng dần độ khó về sau để cơ thể làm quen dần với chế độ vận động. Đừng tham lam vận động mạnh ngay từ đầu khiến cơ thể kiệt sức. Điều này vẫn đúng kể cả khi bạn bị gián đoạn tập luyện một thời gian, hãy trở lại từ từ như khi bạn vừa bắt đầu.
Dấu hiệu nào nên ngừng vận động và nghỉ ngơi?
- Ngừng hoạt động khi thấy nhịp tim nhanh bất thường. Nếu sau 15 phút nghỉ ngơi, tim vẫn đập nhanh trên 120 nhịp/ phút, hãy liên lạc ngay với bác sĩ.
- Nếu cảm thấy đau ngực hay bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, không được tiếp tục hoạt động tránh gây căng thẳng và tổn thương đến các khớp.
- Nếu cảm thấy mệt mỏi hay bị bệnh gần đây, hãy đợi một vài ngày để các triệu chứng biến mất trước khi bắt đầu tập luyện lại. Nếu không chắc chắn về tình trạng sức khỏe của mình, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ.
Tập luyện và vận động chỉ là một phần của liệu trình điều trị, để duy trì được sức khỏe tim mạch, ngoài chế độ vận động còn phải kết hợp với chế độ ăn khoa học, lối sống lành mạnh, giảm stress và sử dụng thuốc điều trị bệnh tim mạch để có hiệu quả tốt nhất.
Tin liên quan: