Thần hổ trả thù thảm khốc ở Thanh Hóa: Thiếu nữ xứ Mường bị thần hổ phanh bụng, moi gan


Share

Hổ xám khổng lồ đã giết hại thảm khốc thiếu nữ họ Đinh, ăn mất 2 chân, phanh xác ăn hết ruột, gan, ngoạm mất một mắt.

Kỳ 1: Chuyện kinh dị chưa từng tiết lộ về Thần Hổ xám khổng lồ ăn thịt mấy chục người trong họ Đinh ở Thanh Hóa khiến cả huyện kinh hồn bạt vía

Kỳ 2: Sự trả thù điên cuồng của hồ xám khổng lồ ở khắp miền Tây Thanh Hóa

Kỳ 3: Thiếu nữ họ Đinh xứ Mường bị thần hổ xám phanh bụng, moi gan

Khe núi kinh hãi

Sau khi bà Tổ Mối mất mạng vì đánh nhau với thần hổ xám khổng lồ, thì mối căm thù giữa hổ xám và dòng họ Đinh ở xứ Mường Thành Yên (Thạch Thành, Thanh Hóa) lên cao độ. Các trai đinh trong dòng họ này đều khát khao muốn tiêu diệt con hổ, trừ họa cho dân bản, bảo vệ dòng họ, còn con hổ xám thì cũng điên cuồng tìm cách phục thù. Nó đã ăn thịt vô số lương dân, mà theo lời đồn, thì trên tai của nó có hơn 100 nốt đỏ, bởi cứ ăn thịt một người, thì lại có một nốt đỏ mọc trên tai. Người Mường nơi đây cũng tin rằng, khi bị hổ ăn thịt, thì linh hồn người đó quẩn quanh bên con hổ, biến thành ma trành oan trái lẩn khuất trong rừng, phục dịch hổ và chịu sự sai khiến của nó.

Bà Đinh Thị Son là con gái ông Đinh Văn Riệc, và là chị gái của ông Đinh Văn Trinh. Ông Trinh là thầy mo nổi tiếng, hiện vẫn đang sống ở thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên. Theo phong tục của người Mường nơi đây, con gái chưa lấy chồng, chưa qua tuổi 18, thì không được thờ cúng, chôn cất trong nghĩa địa của làng. Những đứa trẻ người Mường nơi đây chết đi, được chôn trong một khu vực nhất định trong rừng, hoặc vùi đâu đó trong rừng sâu, để “ma trẻ con” không tìm về nghịch ngợm, phá phách cuộc sống những người đang sống.

Tuy nhiên, anh Đinh Tiên Phong, cháu đích tôn của ông Đinh Văn Riệc lại lập bát hương thờ bà Đinh Thị Son, người bị hổ vồ. Hàng năm, anh đều làm giỗ cho bà. Điều này là trái với phong tục của người Mường. Anh Phong lý giải sở dĩ anh làm như vậy, là bởi từ ngày còn nhỏ, bà Son thường hiện về trong giấc mơ của anh, lúc bà kêu đói, lúc kêu đau, lúc chỉ thấy có mỗi mái tóc của bà bay lơ lửng, vì thân thể bà bị hổ ăn thịt.

Đi xem bói, thầy cũng phán bà Son đi theo phù hộ anh Phong. Nghĩ rằng bà hợp mình, thường báo mộng cho mình, nên anh Phong đã lập bát hương thờ bà Son, mà anh gọi là bà. Mặc dù thờ bà Son, và nắm rất kỹ câu chuyện bi thảm của bà, nhưng khi đề nghị anh dẫn vào khu vực chôn cất bà, nơi bà bị hổ vồ, thì anh từ chối. Lý do anh đưa ra, là ở chỗ hòn đá, nơi hổ ăn thịt bà, dân làng thi thoảng vẫn nhìn thấy người phụ nữ mặc áo trắng, khuôn mặt buồn rười rượi ngồi trên hòn đá hát véo von. Có thợ săn vào rừng bắn thú, khi đến gần khu vực đó, nghe thấy tiếng hát của người con gái, nhưng đến gần thì chẳng thấy ai. Cất tiếng gọi, thì tiếng hát im bặt.

Ông Đinh Văn Trinh dẫn tôi ngược suối Vó Ấm đi tìm nơi bà Son, chị gái ông bị hổ dữ ăn thịt. Nơi bà Son bị hổ ăn thịt ở cách ngôi đền Vó Ấm thờ hổ không xa lắm, ngay dưới khe núi có tên Làn Bạc. Khe núi này có cây cổ thụ rất lớn, tên là Bồ Hòn, tới 6 người lớn ôm mới xuể. Thuở nhỏ, ông Trinh vẫn thường trèo cây bắt chào mào.

Nhưng cây Bồ Hòn đã bị đốn hạ cách đây 30 năm. Cách cây Bồ Hòn khoảng 500 mét, gần đền Vó Ấm có một tảng đá khổng lồ, to bằng một ngôi nhà. Ngày ông Trinh còn nhỏ xíu, cả làng bỗng rung chuyển như có động đất, như thể giặc trút bom tấn. Tiếng động chấm dứt, mọi người kéo ra, thấy trời đất mịt mù. Một “con đường” được mở lên đỉnh núi bởi một hòn đá nặng cả trăm tấn lăn từ đỉnh núi xuống thung lũng.

Thần hổ xuất hiện

Đợt đó, khoảng năm 1940, suốt từ tháng 3 đến tháng 6, đêm nào cũng có tiếng “à uồm, à ưm” vang động trong cánh rừng sau khe núi Lóng Thục. Sau tiếng “à uồm” trầm đục đặc trưng của con hổ xám khổng lồ, là tiếng “à ưm” của bầy hổ lâu la. Đại gia đình ông Riệc cảnh giác cao độ hết sức. Ban ngày, mọi người ra đồng, lên nương, vào rừng đều phải đi theo nhóm, mang theo vũ khí, để hỗ trợ nhau.

Ngày tháng 6 nắng như đổ lửa, thiếu nữ Đinh Thị Son, cô gái cao lớn, xinh đẹp xứ Mường này rủ bạn bè cùng vào rừng lấy củi. Nhóm đi lấy củi gồm có Son, Đào, Dĩ, Dĩnh, đều lứa tuổi 16, 17 ở xóm Yên Sơn. Những người này đều đã chết già hoặc chết bệnh cả rồi. Khi đó, rừng rú hoang rậm, rừng tràn cả xuống tận thung lũng, mép ruộng, nên lấy củi không khó khăn mấy.

Các cô gái lấy xong củi ở núi Làn Cũ, thì sang khe núi Làn Bạc lấy măng. Lấy đủ củi và măng, thì đã khoảng 4 giờ chiều. Thông thường, khi mặt trời xuống núi, khoảng 6 giờ tối, thì hổ sẽ từ rừng sâu mò ra kiếm ăn, nên mọi người phải về nhà trước 5 giờ chiều. Thế nhưng, khi đó, mấy cô gái này mải chơi, nên cứ lần lữa không về.

Khoảng 5 giờ chiều, mọi người rủ nhau xuống suối Vó Ấm tắm. Nước suối Vó Ấm từ trong lòng núi chảy ra, lúc nào cũng ấm áp, nên người Mường nơi đây sau buổi làm đồng, hoặc đi rừng, thì dầm mình dưới suối thư giãn, sẽ phục hồi sức khỏe. Hôm đó, mấy cô bạn xuống suối tắm, còn Đinh Thị Son ngồi dưới gốc cây Bồ Hòn vừa bện tóc vừa hát véo von. Tiếng hát của thiếu nữ 17 khiến bầy chim trong rừng bay ra cùng ca hát. Cả bầy khỉ nghịch ngợm cũng tìm về, từ cây Bồ Hòn sà xuống trêu ghẹo thiếu nữ.

Khung cảnh vui nhộn bỗng im bặt. Chim bay nháo nhác, khỉ nhảy tót lên ngọn cây ngồi im. Tiếng “à uồm” vang lên phía con đường mòn trong rừng. Các thiếu nữ chưa kịp định thần, thì hổ xám khổng lồ đã đứng ngay trước mặt Đinh Thị Son, nhìn cô với ánh mắt đỏ rực. Đối diện với hổ dữ khổng lồ, Son co rúm sợ hãi. Mấy cô bạn nhanh chân chạy sang bên kia suối, chui tọt vào một khe đá. Con hổ nhìn như thôi miên vào Son, với ánh mắt rực lửa căm hận.

Thiếu nữ chết bi thảm

Theo lời kể lại của những người sống sót, thì con hổ lượn đi lượn lại trước mặt Son chừng nửa phút, rồi nó mới nhe nanh, giương vuốt xông thẳng vào Son. Điều lạ lùng là con hổ khổng lồ này không cắn chết Son ngay lập tức, mà nó chỉ ngoạm một cái vào lưng, rồi dùng móng vuốt xé toạc quần áo, da thịt. Son khóc lóc thảm thiết, lồm cồm bò dậy, định thoát thân, con hổ lại xông đến chụp, cắn, xé, vờn. Nó ngoạm vào thân cô gái tội nghiệp tung lên không trung, rồi phi thân chụp bằng hai chân trước, giống y như con mèo hành hạ con chuột đến tan xương bấy thịt trước khi ăn thịt. Nó đùa giỡn đến khi thân xác Son nhuốm màu máu, như một cục thịt đỏ, thì ngoạm ngang thân đi dọc triền núi.

Lúc con hổ đi khuất, mấy cô gái này mới mò mẫm dọc con suối tìm về làng. Khi về gần đến làng, thì gặp ông Đinh Văn Riệc cùng dân làng với súng ống, cung nỏ, kiếm mác đi vào rừng. Thấy hổ gầm từ lúc còn sớm, nghĩ có chuyện chẳng lành, nên dân làng khua chiêng gõ trống để vào rừng săn hổ. Biết tin con gái bị hổ ăn thịt, ông Riệc khóc rống lên, bắn một phát đạn lên trời tiễn đưa linh hồn con. Ông thề độc sẽ giết con hổ xám khổng lồ để trả thù cho con cái.

Toàn bộ dân chúng bản Mường đều thể hiện mối căm thù, quyết tâm tiêu diệt con hổ xám này. Nhóm người trong làng với vũ khí, súng ống rùng rùng kéo vào rừng, theo tiếng “à uồm” phát ra từ khe núi Làn Bạc. Mọi người đốt đuốc bùng bùng, đi sát bên nhau, lần dò vào rừng. Đến chỗ cây Bồ Hòn thì mặt trời đã lặn sâu, trăng sớm treo đỉnh núi. Mảnh đất quanh gốc cây Bồ Hòn cỏ tướp đi. Những dấu chân khổng lồ của thần hổ xám vẫn còn rõ mồn một. Máu đỏ vương khắp nơi, nhuốm từng ngọn cỏ. Những mảnh quần áo, mảng tóc, mảng da vung vãi. Cảnh tượng thật đau lòng, thật kinh hoàng.

Mọi người đang lần dò dấu chân, dấu máu để đi tìm con hổ xám, bỗng tiếng “à uồm” trầm đục vang động rất lớn, sau đó là hàng loạt tiếng “à ưm” vang dậy từ trong rừng. Dàn âm thanh kinh hãi của bầy hổ khiến tất thảy mọi người đều dựng tóc gáy, cảm giác như mất hết sinh lực. Ông Riệc liều mạng vác súng, dao chạy theo vết chân con hổ, thì bị mọi người giữ lại. Đêm tối, trong rừng, thần hổ xám gọi lâu la của chúng kéo đến rất đông, có lẽ đến cả trăm con, nên đoàn người bản Mường nếu đối đầu sẽ mất mạng. Dân bản cưỡng chế đưa ông Riệc trở về bản, đợi sớm mai sẽ đi tìm xác con gái ông.

Sớm hôm sau, ông Riệc cùng dân làng vào lại khe Làn Bạc. Từ cây Bồ Hòn, theo dấu chân hổ và vết máu đi về phía đền Vó Ấm, đến chỗ hòn đá khổng lồ bị lăn xuống, thì thấy xác cô gái Đinh Thị Son. Nhiều người không dám nhìn xác thiếu nữ xấu số chỉ còn là đống thịt bầy nhầy. Con hổ đã ăn mất 2 chân, phanh xác ăn hết ruột, gan, ngoạm mất một mắt. Người dân đồn rằng, vì tổ tiên đã bắn mù mắt con hổ, nên nó mới trả thù khủng khiếp như vậy. Theo phong tục của người Mường, thì những người chưa vợ, chưa chồng, lại chưa qua tuổi 18, thì chôn trong rừng. Cô gái tên Son bị hổ ăn thịt lúc 17 tuổi, chưa có chồng, xác be bét, nên mọi người đào hố chôn ngay bên hòn đá.

Bát hương bên suối Vó Ấm thờ bà Son, chị gái ông Trinh và những người bị hổ vồ

Ma trành bí ẩn

Như phần trên phóng sự đã nói, trong tâm thức của người Mường, những con hổ đã ăn thịt trên 100 người, thì nó đã thành tinh và người Mường gọi nó là hổ thần. Thần hổ thường có số lượng nốt đỏ trên tai ứng với số người mà nó ăn thịt và màu lông của nó xám hơn, mắt đỏ hơn, thân thể lực lưỡng hơn.

Người Mường còn tin rằng nó sống lâu ngàn tuổi và có thể biến hóa khôn lường. Nhiều người đồn rằng, khi trốn vào trong rừng, thần hổ biến thành một ông già. Vì nó bị chột mắt, nên ông già này cũng chột. Xung quanh hổ thần, còn có một câu chuyện vừa kinh dị vừa lãng mạn, ấy mà ma trành. Ma trành chính là linh hồn những người bị thần hổ ăn thịt. Những người này bị chết một cách tàn khốc, oan ức, nên linh hồn không siêu thoát được, cứ luẩn quẩn trong rừng, hoặc đi theo con hổ và bị nó sai khiến làm những việc nhũng nhiễu dân gian.

Anh Đinh Tiên Phong, là cháu gọi bà Đinh Thị Son, nạn nhân vụ hổ vồ bằng bác ruột, là người thờ tự bà Son. Hàng năm, vào ngày 15/10 âm lịch anh tổ chức cúng giỗ cho bà. Anh Phong kể: “Vào năm 1990, tôi đi làm đồng, trưa nằm ngủ ở chỗ hòn đá, nơi bà Đinh Thị Son bị hổ ăn thịt. Tôi vừa chập chờn, thì bà hiện lên, mặc áo trắng. Trông mặt mũi bà còn trẻ, như thiếu nữ, nhưng lại chống gậy, đội nón rách. Một mắt bà bị mù.

Bà bảo: “Tao bị hổ vồ, bị biến thành con ma trành, không siêu thoát được. Tao ở đây đói lắm, mà quần áo rách rưới chẳng có gì mặc. Tao muốn về ở với vợ chồng chúng mày”. Đang mơ, anh Phong giật mình tỉnh dậy, nhìn vào bụi cây trước mặt thấy rõ bóng trắng hình thiếu nữ. Anh dụi mắt nhìn kỹ, thì bóng trắng mất đi. Về nhà, gọi thầy cúng đến. Thầy mo xứ mường nơi đây đều có biệt tài “gọi hồn”.

Ông thầy mo làm lễ trong nhà, gọi hồn bà Son về, nhưng chỉ cho đứng ở cổng, không cho vào nhà. Bà Son thông qua miệng thầy cúng, cũng nói bị con hổ giết, biến thành con ma trành vất vưởng trong rừng, không có ai thờ cúng, nên thê thảm lắm. Thầy cúng cũng khuyên anh Phong lập bát hương thờ bà. Anh Phong bảo, từ ngày thờ bà Son, anh thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe cải thiện, làm ăn khấm khá. Anh tin bà Son phù hộ mình.

Không chỉ anh Phong, mà rất nhiều người Mường ở Yên Sơn đều từng nhìn thấy bóng trắng xuất hiện ở trên tảng đá. Có lúc bóng trắng ấy thẩn thơ đi lại trong rừng, có lúc ngồi trên tảng đá hát véo von. Tiếng hát của ma trành có lúc vui vẻ, náo nhiệt, nhưng phần lớn là buồn thảm, ảo não.

Xưa kia, chỗ hòn đá ấy là nơi trẻ leo trèo vui đùa, là nơi người lớn nghỉ chân, hoặc thay quần áo khi tắm ở suối Vó Ấm sau ngày làm việc mệt nhọc. Tuy nhiên, từ khi bà Đinh Thị Son bị hổ ăn thịt, rồi lời đồn về ma trành xuất hiện ở khu vực đó khiến không ai dám bén mảng đến nữa. Cây cối phủ rậm, mọc kín, bao trùm cả tảng đá. Lối mòn dẫn qua tảng đá đó cũng bị cỏ cây bịt kín.

Ông Đinh Xuân Mừng, một thợ săn ở Thành Yên, nhà cách hang Coong Moong, nơi có dấu tích người tiền sử 40 ngàn năm trước, cách khe núi Làn Bạc không xa kể một câu chuyện mà ai nghe cũng phải dựng tóc gáy. Ông Mừng là thợ săn nổi tiếng trong vùng.

Ngày xưa, chiều nào ông cũng vác súng, vác nỏ vào rừng, rồi cài bẫy khắp ngả bắt thú. Có những chuyến đi dài ngày, vòng sang tận Ninh Bình, vào sâu Vườn quốc gia Cúc Phương, sang tận đến đất Hòa Bình để săn thú. Ông cũng đã hạ sát được cả hổ. Gấu và lợn lòi thì bắn được vô số.

Tuy nhiên, trong một lần vào rừng, qua chỗ hòn đá ở Làn Bạc, ông sợ hãi đến giờ. Vì sợ quá, mà ông không dám vào rừng sâu săn hổ nữa. Ông sợ bị hổ ăn thịt, rồi biến thành ma trành, mãi mãi không siêu thoát được. Bây giờ, ông chỉ dám bắn vài con sóc loanh quanh chân núi khi chúng trèo lên cây xoan ăn quả ở chân núi, hoặc bắn bọn chuột rừng thập thò sau các vách đá.

Chuyện xảy ra cách nay 20 năm. Khi đó, ông Mừng mới 30 tuổi, có vợ và 3 con. Hôm đó, như thường lệ, 6 giờ chiều, mặt trời ngấp nghé bên kia đỉnh núi thấp, ông vác súng lần vào rừng. Lần này, ông quyết định đi lối hòn đá, bởi đi lối khác phải vòng qua một quả núi, khá là xa.

Đến nơi, ông Mừng thấy tảng đá vẫn rõ nguyên đó, nhưng tảng đá không phải màu xám xịt như mọi khi, mà lấp lánh, phát sáng như viên ngọc khổng lồ. Tò mò lại gần, ông bỗng thấy tiếng hát của một thiếu nữ vang lên. Giọng hát bằng tiếng Mường véo von, khiến ông Mừng có cảm giác bồi hồi kỳ lạ.

Ông tiến lại phía có giọng hát, cách chỗ tảng đá khoảng 30 mét, vén cành cây, thì thấy một cái lán nhỏ, rộng độ 10 mét vuông, như thể ai đó dựng ra để trông nương. Đến gần lán, nhưng ông ngập ngừng không dám vào. Vừa toan định đi, thì có tiếng thiếu nữ cất lên: “Anh cứ vào đi, nhà chỉ có mình em, không việc gì phải sợ. Anh vào nghỉ chân, uống cốc nước, rồi vào rừng săn bắn sau cũng được”.

Nghe lời mời hấp dẫn, ông Mừng đẩy cửa vào. Thế nhưng, chẳng thấy bóng dáng thiếu nữ đâu. Căn lán thật kỳ lạ, không có gì ngoài chiếc quan tài ở góc nhà. Thấy ông Mừng nhìn chiếc quan tài với vẻ thắc mắc, thì một giọng nữ lại vang lên như thể ở bên ngoài căn lán: “Chiếc giường của em đấy!”.

Ông Mừng lấy can đảm hỏi: “Cô là người hay là ma, thì cũng phải trình diện ra chứ”. Cô gái bỗng thổn thức: “Xin anh đừng sợ. Em đây số phận bi thảm lắm. Vì bị thần hổ xám ăn thịt, mà linh hồn không siêu thoát được, cứ phải quẩn quanh ở chỗ này. Thi thoảng thần hổ xám lại đến đây dọa nạt, trút hận thù. Chỉ khi nào thần hổ bị người đời giết, thì những con ma trành thảm thương chúng em mới được giải thoát về cõi âm ti”.

Nghe vậy, ông Mừng dựng tóc gáy, biết rằng đã lọt vào… mộ của ma trành. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, ông không thấy sợ hãi nữa, mà thấy thương cảm cho nữ ma trành này. Vừa bình tâm lại, thì cánh cửa phụ bật mở, một thiếu phụ mặc áo trắng, vô cùng xinh đẹp, rạng rỡ bước vào trong lán. Hơi lạnh tràn ngập khắp căn nhà. Thiếu phụ bảo: “Hôm nay thần hổ xám và một đoàn hùm beo đang ở trong núi. Nếu anh vào trong đó thì sẽ làm mồi cho thần hổ. Vì thế, nên em mới mời anh vào nhà. Em mong anh hãy tin lời em nói. Thôi. Anh cứ nằm đây ngủ, rồi sáng mai trở về nhà cũng được”.

Thiếu phụ nói vừa dứt lời, thì đôi mắt ông Mừng díp lại, không mở nổi nữa. Ông từ từ lăn ra sàn ngủ. Sớm hôm sau, vừa tinh mơ, tiếng gà rừng gáy te te, ông Mừng giật mình tỉnh dậy. Ông thấy mình đang nằm trên bãi cỏ, ngay cạnh tảng đá. Súng và cung tên đặt ngay ngắn bên cạnh. Toàn bộ câu chuyện đêm qua vẫn rõ mồn một trong đầu ông.

Ông nhổm dậy, đi loanh quanh khu vực, thấy vết chân hổ to bằng bát tô in rõ dưới nền đất. Nghĩ thần hổ xám trong tâm thức của người Mường vẫn còn lẩn khuất ở đây, ông chạy một mạch về nhà. Từ bấy, ông không dám vào sâu trong rừng nữa, vì sợ thần hổ xám ăn thịt.

Kỳ 4:: Thần hổ xám ăn thịt hàng chục người bên gốc gạo, khiến không ai dám bén mảng đến cây gạo khổng lồ có nhiều hồn ma