• Home »
  • Tin Tức Tổng Hợp »
  • Hổ xám ăn thịt hàng chục người bên gốc gạo, khiến không ai dám bén mảng đến cây gạo khổng lồ có nhiều hồn ma

Hổ xám ăn thịt hàng chục người bên gốc gạo, khiến không ai dám bén mảng đến cây gạo khổng lồ có nhiều hồn ma


Share

Rất nhiều người nơi khác đi qua, không biết nơi đây là chốn hổ phục vồ người, nên đã mất mạng một cách thảm khốc.

Kỳ 1: Chuyện kinh dị chưa từng tiết lộ về Thần Hổ xám khổng lồ ăn thịt mấy chục người trong họ Đinh ở Thanh Hóa khiến cả huyện kinh hồn bạt vía

Kỳ 2: Sự trả thù điên cuồng của hồ xám khổng lồ ở khắp miền Tây Thanh Hóa

Kỳ 3: Thiếu nữ họ Đinh xứ Mường bị thần hổ xám phanh bụng, moi gan

Kỳ 4:: Thần hổ xám ăn thịt hàng chục người bên gốc gạo, khiến không ai dám bén mảng đến cây gạo khổng lồ có nhiều hồn ma

Cây gạo oan hồn

Sau khi thiếu nữ Đinh Thị Son, cô gái xinh đẹp của dòng họ Đinh ở xứ Mường, xã Thành Yên (Thạch Thành, Thanh Hóa) bị thần hổ xám móc mắt, moi bụng ăn gan, nội tạng, thì cả xứ Mường Thành Yên sôi sục căm thù. Dòng họ Đinh có mối thâm thù với loài hổ từ mấy đời nay, càng thêm căm hận loài ác thú này. Thần hổ xám cũng sôi sục tìm cách trút hận, vì cụ cố dòng họ này đã bắn chột mắt thần hổ xám.

Vùi xác con gái rất sâu dưới lòng đất ngay tại nơi hổ ăn thịt con mình, ông Đinh Văn Riệc thề trước linh hồn con, sẽ quyết tâm hạ sát con hổ này, nhằm báo thù cho con. Cả dòng họ Đinh cùng vào cuộc, với vũ khí, cung tên ngày đêm vào rừng săn thần hổ xám, hạ sát bất kỳ con hổ nào từ to đến nhỏ.

Nhắc lại chuyện này, ông Trương Văn Gương, Chủ tịch xã Thành Yên, là rể của họ Đinh ở xứ Mường phóng ánh mắt vào đại ngàn hoang thẳm nói rành mạch: “Hổ là loài động vật quý hiếm, cả thế giới tìm cách bảo vệ. Tôi là cán bộ phải làm gương, nhưng trong dòng họ tôi, dù sợ hổ, dù thờ hổ, nhưng con hổ là kẻ thù không đội trời chung của gia đình chúng tôi. Nhiều gia đình trong dòng họ tôi rước ảnh hổ về thờ vì sợ, nhưng tôi phản đối, không thờ hổ. Ai lại thờ kẻ thù của mình trong nhà”.

Cũng theo anh Gương, độ 20 năm trước, hổ vẫn về Thành Yên bắt lợn, dê, trâu bò, thậm chí bắt người. Thạch Thành là vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, rất rậm rạp, rộng lớn, hổ vẫn còn. Các nhà khoa học về nghiên cứu khẳng định quanh cánh rừng Thành Yên vẫn còn 6 con hổ. Tuy nhiên, chúng không dám về bản nữa, mà trốn sâu trong rừng, di cư dọc các sống núi, rừng rậm sang tận Cẩm Thủy, Quan Hóa. “Nói thật với nhà báo, cách đây độ hơn chục năm, ông Phận hàng xóm nhà tôi bắn được một con hổ, khi đó tôi chưa làm cán bộ xã, tôi đến chứng kiến, cũng hả giận lắm. Tuy nhiên, đó là chuyện xưa rồi. Dù căm thù hổ lắm, nhưng giờ hổ không làm gì được người nữa, thậm chí còn sợ con người, nên cũng kệ nó thôi”.

Quay lại chuyện thần hổ xám, theo ông Đinh Văn Trinh, sau khi thần hổ xám ăn thịt bà Son, dòng họ Đinh sôi sục vào rừng tìm giết thần hổ. Nhiều cuộc đụng độ diễn ra, nhiều xác hổ đã bị dòng họ Đinh, dân Thành Yên phanh thây, nhưng thần hổ xám vẫn thoát thân. Hổ xám khổng lồ bất chấp sự săn lùng, vẫn tìm về bản giết người.

Ông Đinh Văn Trinh dẫn tôi đến cây gạo khổng lồ, hiện nằm ở trung tâm xã Thành Yên. Cây gạo to đến 6-7 người ôm, không biết bao nhiêu tuổi. Tổ tiên ông Trinh kể rằng, từ cả trăm năm trước cây gạo đã to như thế này. Điều kinh dị là quanh gốc gạo này, đã có vô số người bị hổ ăn thịt.

Ngày đó, rừng mọc ra tận chỗ gốc gạo. Gần gốc gạo có một con đường mòn, vốn là nơi sơn tràng nghỉ chân. Thần hổ xám thường phục ở con đường này để vồ người, kéo vào gốc gạo để ăn. Hồi ông Trinh còn nhỏ, độ 10 tuổi, chính mắt ông đã theo cha cùng dân bản vác súng, đốt đuốc vào gốc gạo giết hổ, khi nghe thấy tiếng hổ gầm. Tuy nhiên, vào đến nơi, chỉ thấy bóng hổ xám khổng lồ vọt đi cùng tiếng “à ưm”.

Ngay dưới gốc gạo, chỉ còn lại mái tóc người đàn ông, mấy mẩu xương, bàn tay, bàn chân. Dân làng đào hố chôn những bộ phận thi thể ấy xuống. Giờ nấm mồ vẫn còn. Đã có cả chục người dân trong bản bị thần hổ xám xơi thịt ở gốc gạo. Rất nhiều người nơi khác đi qua, không biết nơi đây là chốn hổ phục vồ người, nên đã mất mạng một cách thảm khốc.

Ông Trinh kể rằng, khi thần hổ xám ăn thịt người, thì linh hồn người đó biến thành ma trành. Con ma trành đó nếu muốn được siêu thoát, được đầu thai, thì phải dẫn dụ người khác đến cho hổ ăn thịt. Chính vì thế, ma trành dẫn dụ hết người nọ đến người kia đến gốc gạo để thần hổ xám ăn thịt. Hiện quanh gốc gạo có một số nấm đất, là nơi vùi tạm những phần thi thể còn lại của người bị hổ vồ.

Trước đây, người dân dựng một ngôi miếu ở gốc gạo đó để thờ ma trành, thờ thần hổ, nhưng sau này Mỹ ném bom, thổi bay ngôi miếu, người dân cũng không dựng lại nữa. Mặc dù, giờ cây gạo đã lọt vào trung tâm xã, hổ chẳng còn dám đến nữa, nhưng người dân nơi đây vẫn không dám đến gốc gạo, sợ bị ma trành, thần hổ hãm hại. Bản thân ông Trinh cũng chỉ dám đưa phóng viên đến chỗ đường cái, chỉ cây gạo, chứ không dám vào.

Thợ săn mất mạng

Người bị thần hổ xám ăn thịt kinh dị ở ngay gốc gạo sau thiếu nữ Đinh Thị Son là ông Cổ Dứa, anh em trong họ với ông Đinh Văn Riệc, cùng tuổi với ông Riệc. Ông Đinh Văn Trinh dẫn tôi đến nhà ông Đinh Xuân Ngân, là cháu ông Cổ Dứa. Ông Ngân sống trong ngôi nhà tềnh toàng, cách gốc gạo chừng 500 mét. Nhắc đến thần hổ xám, đôi mắt lòa của ông Ngân ngấn nước, uất hận. Ông Ngân bảo, thần hổ xám cũng chính là kẻ thù truyền kiếp của gia đình ông và của cả dòng họ Đinh ở xứ này.

Ông Ngân khẳng định, thần hổ xám không chỉ biến thành cụ già, mà còn biến cả thành rắn hổ khổng lồ để cắn chết bố đẻ của ông. Trong suy nghĩ của ông, thần hổ xám không chỉ ăn thịt người, cắn chết người, mà còn có cả phép thuật khiến gia đình ông điêu đứng, người chết bệnh, người chết trẻ, người tai biến chết, rồi bản thân ông cũng mù lòa…

Theo ông Ngân, ông Cổ Dứa là bác ruột của ông. Cái tên Cổ Dứa là gọi theo tên con, chứ tên thật của ông là Đinh Văn Vật. Ông Vật nổi tiếng là thợ săn hổ, cùng ông Đinh Văn Riệc ngày đêm vào rừng truy lùng giết thần hổ xám khi thần hổ ăn thịt thiếu nữ Đinh Thị Son. Thế nhưng, trong một chuyến đi săn hổ, ông đã bị hổ ăn thịt thảm khốc.

Sau khi cô Son bị hổ ăn thịt, khoảng một năm sau, tháng 7 âm lịch, đúng ngày rằm, sau khi đặt bẫy ở lối mòn, ông Vật dắt dao găm, lưng đeo súng tranh thủ đi lấy nhựa trám. Thế nhưng, đến 5 giờ chiều, thì dân làng nghe tiếng hổ gầm vang dội từ phía chân núi, chỗ cây gạo. Bình thường, khoảng 6 giờ chiều, nhập nhoạng tối, hổ mới mò về. Nhưng nó mò về sớm như vậy, chắc chắn là có sự chẳng lành.

Nghe tiếng hổ gầm, dân bản chui hết vào trong nhà, cửa đóng then cài, khua chiêng gõ trống. Các gia đình kiểm đếm, thấy các thành viên đầy đủ, chỉ thiếu ông Vật. Ông Riệc cùng các thợ săn hú vang, song không thấy tiếng ông Vật hú lại, chỉ thấy tiếng hổ gầm lồng lộn. Biết có sự chẳng lành, mọi người tập hợp đông đủ, súng ống, giáo mác tiến về phía cây gạo.

Mọi người đến nơi, thấy thần hổ xám đang ngồi liếm mép bên gốc gạo. Ai nấy đều kinh hồn bạt vía. Ông Đinh Văn Riệc giương súng bắn một phát, con hổ chồm lên, xông đến. Ông Riệc quyết tử cầm giáo xông vào đấu hổ. Các thanh niên thấy ông Riệc liều mình, cũng xông đến ứng cứu. Hổ xám khổng lồ biết không đấu lại, liền nhảy tót vào rừng, biến mất tăm tích.

Nhìn quanh gốc gạo, một cảnh tượng đau xót hiển hiện trước mắt. Chiếc dao găm dính máu, dính cả lông hổ nằm ngay gốc gạo. Điều đó chứng tỏ ông Đinh Văn Vật đã đánh nhau quyết liệt với hổ xám và đã đâm nó một nhát thấu thịt. Tuy nhiên, cú đâm bằng dao găm không lấy được mạng nó. Con hổ đã cắn chết ông, phanh thây ông thành nhiều mảnh, ăn gần hết thi thể ông Vật. Mọi người vừa lau nước mắt vừa gom nhặt thi thể ông.

Người nhặt được mảnh sọ, người nhặt được mái tóc, người lấy được mẩu tay, mẩu chân, vương vãi trên một diện tích rộng. Gom hết lại, chỉ thu dọn được khoảng 20% thi thể của ông Vật. Điều đó có nghĩa 80% thi thể ông đã bị con hổ khổng lồ này xơi mất. Dân làng gom phần thi thể còn lại, đựng vào chiếc chăn, treo lên thân cây, rồi cho mấy người chạy ra huyện báo cáo quan huyện. Quan huyện Thạch Thành cùng quân lính với súng ống tua tủa kéo vào Thành Yên.

Quan huyện cũng có mối thâm thù với con hổ xám, nên treo giải rất lớn cho người giết được thần hổ xám khổng lồ. Sau khi quan huyện xác nhận ông Vật bị hổ ăn thịt, thì người thân mới được phép đưa phần thi thể ít ỏi còn lại của ông Đinh Văn Vật về làng mai táng. Ông Vật bị thần hổ xám khổng lồ ăn thịt lúc tròn 50 tuổi.

Ông Đinh Văn Nhị kể lại chuyện bà Đào bị hổ ăn thịt thương tâm

Sau khi ông Vật bị thần hổ xám ăn thịt, gia đình đi xem bói, thì thầy bói bảo rằng, thần hổ sẽ còn hãm hại nhiều người trong gia đình, nên gia đình phải thờ cúng thần hổ. Gia đình ông Ngân cũng thờ cúng thần hổ theo lời thầy cúng, nhưng vẫn tìm cách giết thần hổ để báo thù. Bố đẻ ông Ngân, tức em trai ông Vật, là ông Đinh Văn Nhiệm, cũng là thợ săn tài ba, giết vô số hổ. Tuy nhiên, một lần, vào rừng săn hổ, khi đuổi theo một con hổ, ông đã bị con rắn hổ chúa khổng lồ đớp vào chân. Khi ông Nhiệm lê thân về đến sân nhà, thì hộc máu mồm chết.

Ông Ngân và ông Trinh, là thế hệ con, cháu đều có mối thâm thù với thần hổ xám, vì bị thần hổ xám giết hại cha. Hai ông tiếp tục trở thành thợ săn, tìm cách phục thù. Hai ông tuy chưa một lần được giáp mặt thần hổ xám, nhưng đã bắn chết được con hổ chúa khổng lồ đã cắn chết ông Nhiệm.

Ngày đó, năm 1960, ông Ngân và ông Trinh vào rừng bắn hổ, đã gặp con hổ chúa khổng lồ nằm vắt ngang đường. Hai ông cùng giương cung, bắn mấy mũi tên độc găm vào thân con hổ chúa. Trúng tên độc, hổ chúa giãy chết đành đạch. Con hổ chúa to và dài đến nỗi, hai người nhấc lên mà không nổi! Tuy nhiên, khi mời thầy cúng đến nhà, thì thầy cúng bảo, hổ chúa là do thần hổ xám hóa thành, nên giết hổ chúa thì chỉ giết được thân xác hổ chúa, còn linh hồn hổ xám thì không giết nổi.

Ma trành bên cây gạo

Quay lại chuyện cây gạo khổng lồ ở thôn Yên Sơn 1, ông Đinh Xuân Ngân khẳng định rằng, ông đã từng nhìn thấy nữ ma trành ở gốc cây gạo này. Ông Ngân tin rằng, nữ ma trành ấy chính là bà Đinh Thị Đào, người bị thần hổ ăn thịt ở con suối ngay cạnh gốc gạo, cách gốc gạo chỉ hơn 100 mét. Ông Trinh bảo, bà Đào là họ hàng bên ngoại nhà ông. Việc thần hổ xám ăn thịt bà Đào một cách tàn khốc, cũng là vì nó trả thù dòng họ này.

Hậu duệ nhà bào Đào giờ sống quây quần ở thôn Thành Trung, cách hang Con Moong, động người xưa nổi tiếng cả nước chỉ vài trăm mét. Đây là hang động có dấu tích người tiền sử sinh sống từ 40 ngàn năm trước. Khỏi phải nói, ngày đó, tổ tiên chúng ta phải đấu tranh sinh tồn khủng khiếp thế nào mới sống được ở đất này, không làm mồi cho hổ. Người nắm rõ nhất câu chuyện thần hổ xám ăn thịt bà Đinh Thị Đào là ông Đinh Văn Nhị.

Ông Nhị năm nay mới 55 tuổi, nhưng dáng dấp nhỏ thó, già nua, bệnh tật. Ông sống trong căn nhà nhỏ ngay cạnh rừng rậm. Ông bảo, tuổi thơ của ông là những ngày đấu tranh sinh tồn khủng khiếp với bầy hổ trong rừng già. Chuyện thần hổ xám ăn thịt bà Đào, là bà của ông, thì cả họ ông ai cũng biết, ai cũng kinh sợ khi nhắc đến.

Ngày bà Đinh Thị Đào bị hổ ăn thịt, ông Nhị còn chưa ra đời. Bà Đào là bà nội của ông Nhị. Các cụ kể lại rằng, hồi đó nhà nghèo lắm. Bà Đào sinh được một người con gái, mới lên 2 tuổi, thì bà đã bị hổ ăn thịt. Năm đó, bà Đào mới khoảng 25 – 26 tuổi. Buổi chiều, nhà không có gì ăn, bà mang dậm vào suối Gốc để kiếm cá, kiếm cua cho bữa tối. Con suối này chảy từ trong rừng, vòng quanh núi Bưng, xuyên qua thung lũng, qua chỗ cây gạo, nhập vào với suối Vó Ấm.

Khi bà Đào đang đánh dậm ở suối Gốc, cạnh cây si già, thì thần hổ xám bất ngờ từ trong rừng xông ra, cắn thẳng vào gáy tha đi. Nhà ông Đinh Văn Nê ở cách gốc cây si già không xa. Nghe tiếng hổ gầm, ông Nê ngó về con suối, thấy con hổ xám khổng lồ, thân dài 4 mét, phi thẳng xuống suối, cắn cổ bà Đào, rồi nhảy vọt lên bờ, tha xác bà Đào đi về phía hạ nguồn. Nó quắp người phụ nữ đi nhẹ như không, cái đầu lúc la lúc lắc. Ông Nê đem chiêng ra gõ, khiến cả làng náo loạn. Dân làng tập hợp đông đúc, đổ xô đi tìm.

Mọi người chạy ra chỗ gốc cây si già, chỉ thấy chiếc dậm bẹp nổi lềnh bềnh dưới suối. Đoàn người đi dọc bờ suối, khoảng 500 mét, đến gần gốc cây gạo thì thấy hổ xám khổng lồ đang lúc lắc đầu dứt thịt người phụ nữ xấu số để ăn. Súng nổ vang trời, tên bay như vãi trấu về phía hổ xám.

Biết không địch lại nổi đoàn người đông đúc đầy uất hận, hổ xám gầm một tiếng vang động núi rừng, rồi vọt qua suối, phi thẳng vào rừng già. Phía trong rừng, bầy hổ lâu la cũng “à uôm” vang động rừng núi. Mọi người chạy đến cứu bà Đào, thì bà chỉ còn là đống thịt bầy nhầy, không còn nhận ra mặt mũi nữa. Phần bụng, ngực người phụ nữ một con bị hổ dữ xé tanh bành. Dân làng thương xót cuốn xác bà đào vào chiếu đem chôn ở ngay bờ suối, cách gốc gạo chừng 20 mét.

Theo ông Nhị, các cụ kể lại rằng, sau khi bà Đào bị hổ ăn thịt, nhiều người đi qua gốc gạo nghe thấy tiếng khóc ỉ ôi của bà. Người dân đồn rằng, bà đã biến thành ma trành ngự ở cây gạo đó. Bản thân ông Nhị chưa bao giờ nhìn thấy ma trành, nhưng vì người dân đồn thế, nên ông cũng chẳng bao giờ dám đến cây gạo đó.

Ông Nhị kể rằng, sau khi thần hổ xám ăn thịt liên tiếp những người trong họ Đinh, trong đó có bà nội ông, thì dòng họ, gia đình đều sôi sục căm hờn, tìm cách báo thù thần hổ. Một mặt nghe lời thầy cúng lập bát hương thờ thần hổ, nhưng mặt khác luôn tìm cách giết sạch loài vật tàn ác này. Trong gia đình ông đã có rất nhiều người giết hổ thành công. Sau khi bà Đào bị hổ ăn thịt vài năm, ông Đinh Văn Bét đã phục kích bắn chết một con hổ rất lớn khi nó mò xuống đồng định vào bản bắt người. Để bắn được con hổ này, ông Bét đã dắt một con trâu buộc ở ven suối.

Đêm xuống, ông lấy bùn trát kín người, chỉ để hở hai con mắt, rồi dầm xuống suối. Trát bùn lên người, hổ không nhận biết được con mồi, nên sẽ không dám tấn công. Ngoài ra, lớp bùn cũng sẽ xua mùi cơ thể, nên hổ không phát hiện được. Con hổ lớn này mò vào làng, thấy có trâu liền tiến đến ăn thịt. Khi con hổ còn cách ông Bét độ 5 mét, ông bóp cò. Viên đạn trúng đầu, gạ gục con hổ tại chỗ. Tuy nhiên, đó chỉ là con hổ lâu la, chứ không phải thần hổ xám. Ngay năm sau, ông Đinh Văn Đa, cũng là người trong họ, đã đánh bẫy được một con hổ lớn, dài tới 3 mét.

Cả họ nghe tiếng hổ gầm vì mắc bẫy, đã kéo đến xả đạn, phóng lao, giết hổ tại chỗ. Mọi người trong họ lại một lần nữa mừng hụt, vì con hổ này không bị chột mắt. Ông Riệc, thợ săn lừng lẫy của họ Đinh cũng tiêu diệt cả chục con hổ, nhưng thần hổ xám khổng lồ vẫn lồng lộn khắp nơi, giết hại vô số người, trong đó, bi thương nhất chính là cái chết rúng động của thợ săn nổi tiếng Đinh Văn Riệp, bởi sự báo thù tàn khốc của thần hổ xám.

(Còn nữa…)